Banner giới thiệu

Tin tức

Đưa công nghệ năng lượng mặt trời vào giải quyết ô nhiễm không khí

07/09/2017 | 1027

Dùng xe đạp điện với những trạm sạc điện sử dụng năng lượng mặt trời, ứng dụng công nghệ xử lý hình ảnh vệ tinh để kiểm soát lượng phát thải, sử dụng cảm biến phân tích và xử lý bụi không khí… là những công nghệ có thể được ứng dụng trong đời sống.

Vượt ngưỡng quy chuẩn

Tại buổi tọa đàm Chất lượng không khí ở Hà Nội diễn ra mới đây, bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc điều hành của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho biết ô nhiễm không khí ở các khu đô thị, trong đó có Hà Nội, ngày càng trầm trọng, và đặc biệt là ô nhiễm do bụi.

Minh chứng cho nhận định của mình, bà Khanh dẫn chỉ số đo chất lượng không khí (AQI) do Mỹ đưa ra. Chỉ số AQI của Việt Nam trung bình năm 2016 là 121 thì trong quý 1.2017 đã là 123. Trong khi đó, nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm 2016 là 50,5 microgam/m3 thì quý 1. 2017 lên tới 54,6 microgam/m3, gấp hơn 2 lần so với tiêu chuẩn quốc gia cho phép (25 microgam/m3)                                                         

Trong quá trình nghiên cứu, bà Khanh cho biết nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do hướng gió. Còn theo cuộc khảo sát của GreenID trên 1.400 người dân (cuối năm 2016), nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí chủ yếu đến từ công nghiệp, giao thông, sản xuất năng lượng…

Theo TS Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, Giảng viên Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, có rất nhiều nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí hiện nay trở nên trầm trọng, trong số đó có sự phát thải các khí, đặc biệt là khí nhà kính từ tác động của ngành nhiệt điện…

Nguồn phát thải có trong thành phố đa phần đến từ xây dựng, giao thông nhưng xét ở mức độ rộng hơn, nguồn phát thải chủ yếu đến từ ngành năng lượng công nghiệp và hiện nay, lượng điện năng phát ra lên tới hơn 60% và có xu hướng tiếp tục tăng.

Thách thức chồng chất

Tháng 6.2016, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí tới năm 2020, tầm nhìn 2025” với mục đích quản lý các nguồn phát thải ô nhiễm và giám sát chất lượng không khí.

TP.Hà Nội đã triển khai những bước đi đầu tiên trong việc thực hiện kế hoạch trên như xử lý bụi theo giai đoạn và thành lập 2 trạm giám sát không khí vào tháng 1.2017, nhưng theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường đại học Bách Khoa Hà Nội), thì chúng ta đang gặp nhiều thách thức như: thông tin về phát thải thay đổi liên tục trong khi nhân lực, vật lực còn hạn chế dẫn tới việc bị thiếu dữ liệu kiểm kê phát thải. Thực tế này đã ảnh hưởng tới việc đưa ra các quyết sách cũng như chưa có số liệu đo, đánh giá khảo sát về nguồn gây ô nhiễm một cách chính xác.

                                                            Bà Ngụy Thị Khanh (GreenID) và PGS.TS Nghiêm Trung Dũng

Ngoài ra, PGS.TS Dũng cũng cho biết mật độ dân số tăng, chất lượng giao thông có vấn đề, chất lượng ô tô, xe máy còn kém, mối quan tâm mới chỉ dừng lại ở giao thông động mà chưa quan tâm đến giao thông tĩnh, ý thức tham gia giao thông của người dân kém… cũng là những nguyên nhân khiến không khí ngày một ô nhiễm.

Gợi ý khắc phục những nguyên nhân trên, theo bà Khanh, chúng ta cần ban hành Luật bảo vệ không khí sạch, giảm phát thải nhiệt điện than, dùng năng lượng tái tạo, công khai thông tin về tác động của ô nhiễm không khí và nỗ lực thay đổi hành vi của người dân.

Nhiều giải pháp KHCN giúp giảm ô nhiễm

Là giảng viên Khoa Năng lượng (Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội), TS Nguyễn Trịnh Hoàng Anh cùng nhóm nghiên cứu đã đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ vào việc giảm ô nhiễm không khí như sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, sử dụng điện nhiệt bằng cách lấy nhiệt từ lòng đất tự do, lợi dụng sự chênh lệch nhiệt độ trong lòng đất để phát điện; sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… là những giải pháp mà chúng ta cần khai thác nhiều hơn nữa. Ngoài ra, năng lượng sinh học, sinh khối…và trong tương lai các loại năng lượng từ sóng biển hoặc thủy triều… cũng giúp giảm ô nhiễm.

Theo TS Hoàng Anh, vấn đề gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng đến từ nguyên nhân từ việc người dân đốt rơm, rạ ở nhiều nơi trên những cánh đồng và để giảm lượng khí phát thải, bà con có thể sử dụng phương pháp ủ rơm rạ thành thức ăn, phân bón hoặc ép khối, nén viên, khí hóa rơm rạ phục vụ cho việc phát điện…

TS Nguyễn Trịnh Hoàng Anh trình bày các giải pháp công nghệ giúp giảm ô nhiễm không khí 

Trong các giải pháp của nhóm nghiên cứu còn đưa ra giải pháp phát triển các loại phương tiện giao thông dùng hàng ngày như dùng xe đạp điện với những trạm sạc điện sử dụng năng lượng mặt trời, dùng ô tô chạy bằng điện, khí hydrogen hoặc khí hóa lỏng để giảm lượng phát thải so với việc đốt xăng trực tiếp. Ứng dụng công nghệ xử lý hình ảnh vệ tinh để kiểm soát lượng phát thải, sử dụng cảm biến phân tích và xử lý bụi trong không khí hoặc ứng dụng CNTT trong việc phát triển phần mềm tìm ra những cung đường tránh được nguồn phát thải trong thành phố…

Nguồn nangluong.news


Các bài viết khác

Đưa vào khai thác Nhà máy điện gió Đông Hải 1 (7/10)

Dự án điện gió Đông Hải 1: Công trình của khát vọng và niềm tin! (21/9)

Bạc Liêu: Tự hào Dự án điện gió Đông Hải 1 (21/9)

Ký hợp đồng tổng thầu dự án Nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn (2/7)

Ninh Thuận: Chọn đột phá bằng năng lượng tái tạo (9/3)

Đoàn Công tác Ngân hàng Thế giới kiểm tra thực tế một số dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (22/1)

EVN khuyến khích người dân bán điện mặt trời (17/1)

Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 Phước Hữu phấn đấu hoàn thành cuối tháng 12 năm 2018 (3/1)

Lễ phát động phong trào thi đua sản xuất (7/11)