Trung Quốc đang đặt cược lớn vào năng lượng mặt trời để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí trong nước và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới với công suất lên tới 40 GW vừa được Trung Quốc hoàn thành tại một thị trấn mỏ ngập nước thuộc tỉnh An Huy ở phía đông nước này. Thành quả trên được đánh giá là minh chứng cho sự nghiêm túc của Đại lục về việc thực hiện kế hoạch năng lượng xanh, với mục đích khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí ở mức báo động đã từng khiến Bắc Kinh chìm trong sương mù và hàng triệu người phải đeo mặt nạ mới có thể hít thở.
Theo Business Insider, hồi đầu năm nay, Bắc Kinh tuyên bố sẽ dành 361 tỉ USD để mở rộng năng lượng tái tạo của nước này vào năm 2020. Đến năm 2022, Trung Quốc cần có 320 GW công suất năng lượng từ gió và mặt trời, cùng với 340 GW năng lượng từ thủy điện. Và đến năm 2030, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới muốn tạo ra 1/5 năng lượng từ các nguồn tái tạo.
Theo một trích dẫn của National Geographic, năm ngoái đất nước châu Á đã lắp đặt 35 GW công suất phát điện năng lượng mặt trời, tương đương bằng tổng sản lượng năng lượng mặt trời của Đức. Tiêu thụ than cũng đã giảm trong ba năm liên tiếp, nhưng có vẻ điều này không phải là tin tốt đối với các nhà sản xuất than, khi chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm tới 50% tổng sản lượng than toàn cầu.
Song những nỗ lực chuyển đổi năng lượng nêu trên đang góp phần nâng cao vị thế của Đại lục trên trường quốc tế. “Có lẽ Trung Quốc là quốc gia lớn duy nhất trên thế giới có chiến lược rõ ràng, dài hạn để hành động về biến đổi khí hậu”, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, nói.
Đồng thời ông Guterres cũng cảnh báo rằng quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ Donald Trump có nguy cơ để lại một khoảng trống mà Trung Quốc sẽ tự động thay thế để vươn lên vị trí dẫn đầu về các vấn đề khí hậu toàn cầu, dù thực tế hiện nay nước này đang là “thủ phạm” gây ô nhiễm không khí nhiều nhất thế giới. Đại lục dường như cũng đã sẵn sàng để nhận lấy vai trò lãnh đạo khi dự kiến sẽ đầu tư 900 tỉ USD của sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” vào những dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, trong đó có một số dự án hướng đến năng lượng tái tạo.
Nhìn chung, Trung Quốc đang đặt cược lớn vào năng lượng mặt trời với mục tiêu chuyển từ một nước gây ra tình trạng ô nhiễm nặng nề nhất sang một nước hành động vì khí hậu, cũng như giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Nhưng việc chuyển đổi này không hẳn sẽ đơn giản, đặc biệt là khi những thợ mỏ bị mất việc làm vì mỏ than ngừng hoạt động.
Theo thanhnien.vn